Đại Đường Du Hiệp Ký

Chương 1: Mở đầu

Nói tới văn đàn tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa, phải kể tới "năm
đại gia" là Lương Vũ Sinh, Kim Dung, Cổ Long, Ngọa Long Sinh, Ôn Thụy An hay khác hơn là "ba đại gia" Lương Vũ Sinh, Kim Dung, Cổ Long. Nhưng
nhiều người biết về Kim Dung, Cổ Long và phần nào là Ngọa Long Sinh,
song ít người biết tới Lương Vũ Sinh và Ôn Thụy An, trong khi Lương Vũ
Sinh là một trong những người mở đầu cho tiểu thuyết võ hiệp hiện đại.

Lương Vũ Sinh tên thật là Trần Văn Thống, sinh năm 1922, người huyện Mông Sơn tỉnh Quảng Tây, học ngành kinh tế đối ngoại ở Đại học Lĩnh Nam Quảng
Châu. Năm 1949 ông qua định cư ở Hương Cảng, đầu tiên làm việc ở Đại
công báo, về sau chuyển về Tân văn báo. Năm 1953, La Phù, chủ Tân văn
báo mở chuyên mục "tiểu thuyết võ hiệp nhiều kỳ", và người mà La Phù
"đặt hàng" đầu tiên là Lương Vũ Sinh. Nhận được sự ủng hộ từ tòa soạn,
Lương Vũ Sinh bắt tay vào việc viết tiểu thuyết võ hiệp, với tác phẩm
đầu tiên là Long hổ đấu kinh hoa được đăng suốt hai năm, có tiếng vang
lớn, số lượng báo in tăng vọt. Các báo khác thấy vậy tranh nhau đặt hàng Lương Vũ Sinh, ông không đáp ứng nổi nhu cầu nên mời Kim Dung giúp đỡ
(tác phẩm đầu tiên của Kim Dưng là Thư kiếm ân cừu lục trong thời gian
1955 - 1956 là viết theo đơn đặt hàng này). Ngoài Long hổ đầu kinh hoa,
ông còn có nhiều tác phẩm khác như Đại Đường du hiệp ký, Long phụng bảo
thoa lục, Bình tung hiệp ảnh lục, Thất kiếm Thiên Sơn, Giang hồ tam nữ
hiệp... được nhiều người đọc lớn tuổi ở Hương Cảng, Đài Loan ưa thích.

Tương tự Kim Dung, phần lớn tác phẩm của Lương Vũ Sinh cũng lấy đề tài lịch
sử. La Lập Quần trong bài Cổ Long - quái hiệp(Thay lời tựa tác phẩm Cổ
long), in trong Huyết anh vũ của Nhà xuất bản Châu Hải, Đài Loan, 1995
từng so sánh:

"Lấy nội dung sáng tác mà bàn, thì tiểu thuyết võ
hiệp của Lương Vũ Sinh, Kim Dung chú trọng biểu hiện hoàn cảnh lịch sử,
dựa vào lịch sử, từ đó sáng tạo, mở ra một câu chuyện hư cấu xuyên suốt.

Nhưng từ việc sử dụng tư liệu lịch sử mà nhìn, thì giữa hai người có sự khác
biệt rất rõ ràng, Lương Vũ Sinh hư cấu nhân vật và sự kiện, đặt vào bối
cảnh lịch sử, lấy đó để gia tăng không khí lịch sử, Kim Dung thì trực
tiếp lấy nhân vật và sự kiện lịch sử phô diễn thành tiểu thuyết võ hiệp, các nhân vật, sự kiện lịch sử mà Kim Dung viết rất có mức độ, thường có thể lấy giả làm loạn thật".

Về khuynh hướng sáng tác, thì La Lập Quần nhận định "Nhân vật trong tiểu thuyết võ hiệp của Lương Vũ Sinh
mang đậm màu sắc đạo đức phân chia tà chính rạch ròi, nội hàm xã hội của nhân vật phong phú nhưng tính cách nhân vật đơn điệu, có thiếu sót khái niệm hóa, công thức hóa nhân vật". Trên cùng đường hướng nhận định này, Trần Hiểu Lâm trong bài Thử bàn về chức năng của sự ngẫu nhiên" trong
tiểu thuyết võ hiệp - lấy tác phẩm của Kim Dung, Cổ Long và Lương Vũ
Sinh làm ví dụ in trong Đại địa phi ưng, Công ty xuất bản Phong vân thời đại, Đài Bắc, 1999 cũng nhận xét:

"Trong các tác phẩm Thất kiếm
hạ Thiên Sơn, Giang hồ tam nữ hiệp..., sự đối lập nhị nguyên và đấu
tranh qua lại giữa chính tà, đen trắng, thiện ác, thị phi vẫn là mạch
chủ yếu thúc đẩy tình tiết của câu chuyện, thể hiện rõ việc Lương Vũ
Sinh kế thừa tiểu thuyết võ hiệp truyền thống... Trong thực tế, nếu xâu
chuỗi tác phẩm của Lương Vũ Sinh lại, thì sẽ hình thành một phổ hệ hiệp
nghĩa thảo dã phát triển song hành với lịch sử chính thống. Từ phổ hệ
hiệp nghĩa thảo dã ấy nhìn lại vương triều chính thống tranh giành nhau
vì quyền lực dục vọng, rõ ràng ta thấy nó toát lên sự giải thích và châm chọc lịch sử Trung Quốc. Cho nên ý đồ ngẫu nhiên hóa lịch sử chính
thống của ông là điều dễ nhận thấy. Về mặt này, Lương Vũ Sinh và Kim
Dung khác đường cùng đích, hai người đều tạo ra một thế giới tưởng tượng riêng, lấy thế giới tưởng tượng ấy soi rọi lại lịch sử Trung Quốc, rất
nhiều cay đắng máu lệ tự nhiên hiện rõ giữa những dòng chữ và phía sau
tác phẩm".

Về yếu tố "võ công" đặc trưng của tiểu thuyết võ hiệp, thì ba đại gia Lương, Kim, Cổ đều có phong cách riêng. Võ công trong
tác phẩm của Kim Dưng thì mang tính văn hóa - triết lý, thậm chí tiếng
sáo điệu đàn cũng có thể trở thành phương tiện chuyển tải nội lực đả
thương đối phương, võ công trong tác phẩm của Cổ Long thì mang đậm dấu
ấn kỹ thuật hiện đại, "có thức không chiêu, còn võ công trong tác phẩm
của Lương Vũ Sinh vẫn mang nhiều yếu tố truyền thống:

La Lập Quần nhận xét "Võ công trong tiểu thuyết võ hiệp của Lương Vũ Sinh tính tả
thực trong hư ảo rất mạnh, một chiêu một thức rõ rõ ràng ràng, tinh tế
mà lại giống như thật, khẩn trương kịch liệt, khoa trương tới mức tột
cùng. "Võ công" của Lương Vũ Sinh cũng mang tính khuynh hướng, có võ
công của chính phái, cũng có võ công của tà phái, lực đạo võ công của
chính phái nhu hòa, tượng trưng cho sự thiện lương, nhân từ vừa tiện lợi trong việc tấn công phòng thủ, lại có ích cho việc tu tâm dưỡng tính,
mà võ công của tà phái thì vô cùng bá đạo, tàn độc hung dữ, đầy ý vị tà
ác...".

Đặt cạnh Kim Dung và Cổ Long, Lương Vũ Sinh ít nhiều mang dáng dấp một tác gia "cổ điển" trong dòng tiểu huyết võ hiệp. Ông vẫn
rung cảm với các giá trị trung hiếu tiết nghĩa "phi chính thống", vẫn đề cao tinh thần thượng võ và hào hiệp của những hiệp khách chống triều
đình, vẫn dùng tiểu thuyết võ hiệp như một phương tiện để khẳng định cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ. Trong ý nghĩa này, có thể nói Đại Đường du
hiệp ký là một tác phẩm tiêu biểu của Lương Vũ Sinh.Cao Tự Thanh

Thích Truyện
Website dành cho những hội yêu thích và đam mê truyện, nơi bạn có thể thỏa sức hòa mình vào thế giới truyện, chia sẻ cùng những người thích truyện